Skip to main content

Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội

A. GIỚI THIỆU VỀ XÃ HÒA BÌNH

          I. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ VÀ DÂN CƯ

          1. Vị trí địa lý

Xã Hòa Bình là một xã vùng III nằm ở phía Bắc của huyện Hữu Lũng cách trung tâm huyện 20km.

- Phía đông giáp với xã Yên Thịnh,

- Phía nam giáp với xã Minh Tiến,

- Phía tây giáp với xã Yên Bình,

- Phía bắc giáp với xã Hữu Liên, huyện Hữu Lũng.

          2. Dân cư

- Tính đến năm 6/2021 xã Hòa Bình có 3.130 nhân khẩu/720 hộ/5 thôn. Có 3 dân tộc chủ yếu là Nùng, Kinh, Tày và các dân tộc khác. Trong đó dân tộc Nùng chiếm 88%; dân tộc Kinh chiếm 6,5%,;dân tộc Tày chiếm 5%; các dân tộc khác chiếm 0,5%.

          - Thôn có đông dân cư nhất là Đồng Hương 1.1068 nhân khẩu/228 hộ.

          - Thôn có dân cư ít nhất là Tô Hiệu 278 nhân khẩu/66 hộ.

          Xã  Hòa Bình có 05  đơn vị thôn gồm: Đồng Hương, Vĩnh Yên, Trãng, Đồng Lươn và thôn Tô Hiệu.

          II. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN VÀ TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN

          1. Địa hình, đất đai, thổ nhưỡng

          Xã Hòa Bình nằm trong khu vực miền núi phía Bắc, địa hình được chia thành 02 vùng riêng biệt, vùng núi đá vôi thuộc vòng cung Bắc Sơn, chiếm hầu hết diện tích tự nhiên của xã, có nhiều loại gỗ quý như lát, lý, nghiễn, gang bầu...và nhiều loại lâm sản khác. Có vùng đất bằng phẳng, sau nhiều năm cư dân đến khai phá làm nương, rẫy. Trải qua quá trình khai phá, nhân tạo ra những cánh đồng đất đai màu mỡ thích hợp trồng nhiều loại cây trồng như: Lúa, ngô, đỗ tương, đặc biệt là cây thuốc lá là cây trồng thế mạnh mang lại hiệu quả kinh tế cao của xã.

          Tổng diện tích đất tự nhiên là 3.768,15ha.

          Trong đó:    - Đất nông nghiệp: 902,51ha

                             - Đất lâm nghiệp: 2.295ha

                             - Đất nuôi trồng thủy sản: 23,58ha

                             - Đất phi nông nghiệp: 151,87ha

                             - Đất chưa sử dụng: 395,19ha

          Đất đai, thổ nhưỡng xã Hòa Bình rất thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp - lâm nghiệp. Chủ yếu đất phù hợp với trồng cây nông nghiệp và lâm nghiệp, cây lâu năm và cây ăn quả.

          2. Khí hậu, thủy văn

          Xã Hòa Bình nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, chịu ảnh hưởng trực tiếp của khí hậu miền núi phía Bắc mùa hè nóng ẩm mưa nhiều, mùa đông khô lạnh và ít mưa. Nhiệt độ trung bình năm là 22,70. Nhiệt độ trung bình cao nhất là 29,50 vào tháng 7. Nhiệt độ trung bình thấp nhất là 150 vào tháng 1.

          Lượng mưa trung bình hàng năm là 832,6mm. Tập trung vào mùa hè từ tháng 4 đến tháng 10 chiếm 90,7% lượng mưa cả năm.

          Chế độ thủy văn của xã chịu ảnh hưởng chính của sông Thương, ngoài ra còn chịu ảnh hưởng các suối nhỏ và ao hồ nằm rải rác trong khu dân cư. Đây là nguồn cung cấp nước cho các công trình thủy lợi phục vụ cho sản xuất nông - lâm nghiệp và sinh hoạt của nhân dân địa phương.

          3. Tài nguyên rừng

          Tổng diện tích đất lâm nghiệp là 2.295ha chiếm 60,9% diện tích đất tự nhiên. Diện tích đất rừng của xã là rừng sản xuất chủ yếu là bạch đàn và keo phục vụ cho nguyên liệu giấy và nguồn chất đốt của gia đình đem lại giá trị lớn cho ngành nông - lâm nghiệp.

          4. Giao thông

          Xã Hòa Bình không có tuyến đường quốc lộ chạy qua, tuyến đường trục xã với chiều dài 7 km, trục thôn 18,1km, ngõ thôn 23,14km.         

          III. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH

          Đầu thế kỷ XX, ngày 11/4/1900, Hữu Lũng nằm trong tỉnh Bắc Giang. Đến năm 1908 đổi thành châu Hữu Lũng gồm 02 tổng, 15 xã. Xã Hòa Bình khi đó có tên là xã Bảo Lộng thuộc huyện Hữu Lũng, tỉnh Bắc Giang.

         Cuối năm 1948 xã Yên Bình được thành lập gồm 02 xã (xã Bảo Lộng và xã Vô Muộn). Ngày 30/11/1953 xã Yên Bình tách ra thành 03 xã: xã Hòa Bình, Yên Bình và xã Quyết Thắng; xã Hòa Bình gồm các thôn: Vĩnh Yên, Trãng, Non Hương, Đồng Lốc và thôn Đồng Lươn.

          Chín năm trường kỳ gian khổ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc với chiến thắng Điện Biên Phủ. Ngày 07/5/1954 Hiệp định Giơnevơ được ký kết, hòa bình lập lại trên miền Bắc. Nhân dân xã Hòa Bình cùng toàn Đảng, toàn dân miền Bắc bắt tay vào xây dựng chính quyền nhân dân, khắc phục những khó khăn do chiến tranh và chế độ cũ để lại, khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

            Nối tiếp truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng, nhân dân xã Hòa Bình dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ huyện đã kề vai sát cánh cùng nhân dân cả nước trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, kịp thời chi viện sức người, sức của thực hiện tốt khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, hoàn thành nghĩa vụ hậu phương; cùng cả nước làm nên chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tiến bước trên con đường đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

          Sau đợt giảm tô, cải cách ruộng đất, ngày 19/7/1956, do yêu cầu của công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc, Hữu Lũng trở thành một đơn vị hành chính của tỉnh Lạng Sơn bao gồm 24 xã và 01 thị trấn. Xã Hòa Bình chính thức thuộc huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn.

          Hai cuộc kháng chiến đã qua, cũng như cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ Quốc tháng 02 năm 1979 đã có biết bao người con ưu tú của quê hương Hòa Bình đã ngã xuống cho độc lập - tự do của dân tộc, nhiều gia đình và cá nhân đã được vinh danh có công với cách mạng.

          Có được cuộc sống thanh bình, tự do, độc lập, người dân Hòa Bình vẫn không quên những năm tháng bị đày đọa dưới ách đô hộ của thực dân phong kiến. Dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, nhân dân các dân tộc Hòa Bình với ý thức trách nhiệm lớn lao của người công dân đang tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

B. TIỀM NĂNG CỦA XÃ HÒA BÌNH 

Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ở Hòa Bình được phát triển khá mạnh trong những năm gần đây, đặc biệt là hệ thống giao thông, thủy lợi đã và đang tạo ra những thuận lợi cơ bản cho việc phát triển các ngành kinh tế của xã.

Xã Hòa Bình có hệ thống chính trị vững mạnh, đội ngũ cán bộ địa phương đoàn kết, nhiệt tình, có năng lực lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế và quản lý xã hội. Đây là yếu tố thuận lợi rất cơ bản trong việc tổ chức và huy động nhân dân tham gia phát triển kinh tế xã hội.

Với những lợi thế trên, Hòa Bình có điều kiện thuận lợi trong giao lưu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với các xã trong và ngoài huyện. Trong tương lai gần, việc tiếp thu các thành tựu khoa học, công nghệ và tăng khả năng thu hút vốn đầu tư của các tổ chức trong, ngoài huyện đối với xã Hòa Bình là hết sức thuận lợi, tạo đà thúc đẩy phát triển một nền kinh tế đa dạng.

- Sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp: Thực hiện nghị quyết về đổi mới kinh tế nông nghiệp, từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi năng suất và hiệu quả kinh tế, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình kinh tế hộ gia đình, mô hình phát triển sản xuất.  

          Kết quả đạt được đã đưa năng suất sản lượng cây trồng tăng, như lúa gieo cấy các loại giống mới năng suất đạt 48 tạ/ha, ngô đạt 50 tạ/ha.

            Thực hiện mục tiêu chuyển  đổi cơ cấu cây trồng để nâng cao giá trị kinh tế, những năm gần đây cây ăn quả được coi là một trong những cây trồng chủ lực ở Hòa Bình như: Thuốc lá, na, bưởi diễn, nhãn, cam. Cây thuốc lá được trồng tập trung ở các thôn Non Hương, Đồng Lốc, Trãng. Với những ưu điểm khả năng chịu hạn tốt, dễ trồng, ít sâu bệnh, hợp với thổ nhưỡng nên cây Thuốc lá được bà con nhân dân trồng nhiều. Tổng diện tích bình quân hằng năm trồng được khoảng 30-40ha. Trong những năm tới,  vẫn coi trọng phát triển vùng cây ăn quả theo hướng tập trung, nâng cao chất lượng, nâng cao giá trị kinh tế và chủ động về thị trường tiêu thụ sản phẩm và bảo hộ thương hiệu cho các loại cây ăn quả.

Về chăn nuôi, giữ vững và phát triển đàn gia súc gia cầm số lượng tăng, một số hộ đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi lợn, gà cho thu nhập kinh tế cao với mức thu nhập hằng năm đạt từ 50 triệu đến hơn 150 triệu đồng/năm, như hộ ông Nguyễn Minh Ánh (Tô Hiều), hộ ông Nguyễn Thị Huyền (Tô Hiệu)…và còn nhiều hộ gia đình khác cũng mạnh dạn đầu tư cho phát triển chăn nuôi.

- Hoạt động của các ngành nghề dịch vụ: Trên địa bàn xã có 5 cơ sở sản xuất cay bê tông, tao công ăn việc làm cho 15 lao động với mức thu nhập kinh tế ổn định từ 3,5 đến 5 triệu đồng/ tháng.

C. XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

          Được sự quan tâm, chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện Hữu Lũng. Cấp ủy, chính quyền địa phương cùng với nhân dân đã tập trung sức, lực phát triển cơ sở hạ tầng góp phần tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị, đặc biệt là việc triển khai thực hiện chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới xã Hòa Bình đã hoàn thành 10/19 tiêu chí theo sự chỉ đạo của huyện và tỉnh năm 2021.

 Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã thông qua Nghị quyết và được sự đồng thuận của nhân dân về công cuộc đổi mới phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an, an ninh, xây dựng nông thôn mới trong nhiệm kỳ.

CÔNG TÁC LÃNH ĐẠO CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI NĂM 2021

Đến hết năm 2020 xã đã đạt 10/19 tiêu chí. Trong những năm qua toàn thể cán bộ và nhân dân xã Hòa Bình đã nỗ lực cố gắng xây dựng nông thôn mới. Kết quả đạt được như sau:

1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo

Đảng uỷ xã thống nhất ra nghị quyết lãnh đạo tổ chức thực hiện xây dựng nông thôn mới, cùng với việc ra nghị quyết lãnh đạo, Đảng uỷ quyết định thành lập Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của xã. Tiến hành phân công nhiệm vụ cho từng thành viên phụ trách từng thôn, từng tiêu chí.

2. Công tác tuyên truyền

Công tác tuyên truyền vận động người dân tham gia xây dựng nông thôn mới: tuyên truyền cho cán bộ đảng viên và nhân dân hiểu và thấy rõ được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước; vận động nhân dân hiến đất, góp công, góp tiền để xây dựng các công trình. Sử dụng nhiều kênh tuyên truyền để quán triệt chủ trương, tạo sự thống nhất trong quá trình triển khai thực hiện.

D. BỘ MÁY HÀNH CHÍNH

          1. bộ máy hành chính xã

Ủy ban nhân dân xã Hòa Bình gồm có 01 Bí thư Đảng ủy; 01 Phó Bí thư Thường trực; 01 Phó Bí thư – Chủ tịch ủy ban nhân dân xã; 01 Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân; 01 Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân.

          Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội: 01 Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc; 01 Chủ tịch Hội Nông dân; 01 Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ; 01 Chủ tịch Hội cựu chiến binh; 01 Bí thư Đoàn thanh niên.

          Công chức chuyên môn: 01 Trưởng Công an xã; 01 Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự; 01 công chức văn phòng thống kê; 02 công chức địa chính; 02 công chức Tư pháp hộ tịch; 02 công chức Văn hóa xã hội; 01 công chức Tài chính kế toán.

          Tổng số cán bộ, công chức tính đến thời điểm hiện tại là 20 chức danh.

          2. Truyền thống văn hóa

          Là một vùng đất có nhiều dân tộc anh em sinh sống xẽn kẽ, hòa thuận với nhau trên một địa bàn cư trú đã tạo cho cộng đồng một đời sống văn hóa tinh thần đa dạng, phong phú. Trên địa bàn xã không có các hoạt động tôn giáo và giáo dân, sinh hoạt tâm linh chủ yếu theo tập quán ông cha để lại như thờ cúng tổ tiên tại gia đình, các tập tục ma chay, cưới gả, hiếu hỷ đều theo truyền thống, sinh hoạt văn hóa cộng đồng... Tuy nhiên, phong tục tập quán ở Hòa Bình vẫn có những nét văn hóa riêng biệt như hát sli, lượn của dân tộc Tày, Nùng.

          Hòa Bình không có điểm di tích lịch sử, các danh thắng cảnh trong diện bảo tồn, các điểm du lịch.

About